Mỗi khi còi tàu rít lên inh ỏi, 2 con người với hai cái tên rất lạ - Bạn và Ngọng - lại lao nhanh ngay ra đường, mồm thổi còi, tay vẫy cờ, ngăn không cho người và phương tiện qua đường sắt. Không ai bảo ai, mỗi người đứng một bên đường ray rất nghiêm trang, trông rất “chuyên nghiệp”...
2 thân phận người hâm
Khi chúng tôi đến hỏi thăm về 2 “nhân viên” đường sắt đặc biệt trên, người dân trong vùng tưởng chúng tôi đi tìm người nhà thất lạc. Ai cũng mừng cho họ. Mọi người đều nói, ở đây không ai lạ gì anh Bạn và anh Ngọng; có điều, chẳng ai biết rõ họ tên và quê quán của họ cả.
Sau đó, họ dẫn chúng tôi đi gặp anh Bạn. Anh Bạn cho biết đã có vợ ở một nơi gọi là Chu Bình và đã có 3 đứa con (2 trai và 1 gái). Mới 31 tuổi mà trông Bạn cứ như đã ngoài 40. Còn Ngọng thì không rõ tuổi, nhưng có vẻ trẻ hơn Bạn. Trông bề ngoài, khó ai nghĩ 2 con người này bị tâm thần, nhưng kỳ thực trong đầu họ không có bất kỳ một khái niệm nào. Câu chuyện giữa chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi những tiếng ú ớ và tiếng cười hềnh hệch của hai người. Tất cả đều phải thông qua lời kể của người dân và chính quyền địa phương. Ông Hùng, một người bán hàng rong ở gần đấy kể rằng đã gần 5 năm nay, họ đến sống ở ngã ba này để… gác đường tàu.
Anh Bạn và anh Ngọng đang đứng trong trời mưa để làm nhiệm vụ chắn ray tàu
Khi mới đến thị xã Phủ Lý, Bạn và Ngọng sống vạ vật, lang thang khắp các nẻo đường, ngõ hẻm để nhặt nhạnh, ăn xin. Nơi ở của họ chỉ là cái chòi tạm không có mái che. Bên trong có một cái màn, một cái chiếu rách nhặt được ở đâu đó, vài cái chén, mỗi cái một kiểu, một cái điếu cày, một cái nệm mỏng dính màu dầu nhớt... Thi thoảng, người dân lại đến cho ít quần áo, giày dép cũ, thậm chí còn giúp họ dọn dẹp lại “cái ổ”.
Anh Bạn rít một hơi thuốc lào rồi cười hô hố. Ngọng cũng nhe răng nhìn Bạn, cười gượng. Mặc dù có vấn đề về nhận thức và tinh thần, nhưng 2 con người kỳ dị này lại làm một công việc cảm động là ngày ngày, bất kể mưa nắng, đêm khuya, cứ có tàu đến thì họ ra đường tàu đứng cảnh báo, ngăn không cho xe cộ và người qua lại. Họ làm việc này hoàn toàn tự nguyện, không cần lương bổng.
2 người hâm làm ba ri e
Địa điểm đó là đoạn giao nhau giữa đường tàu thống nhất Bắc - Nam (chạy song song quốc lộ 1A) và quốc lộ 21 từ Phủ Lý đi Nam Định tại Km56+561. Đã từ lâu, nơi đây đã được gọi là “con đường định mệnh” bởi thường xảy ra nhiều tai nạn thương tâm. Tuy nhiên, chỗ này lại là “ngã ba mưu sinh” của hàng trăm hộ dân ở các phường Trần Hưng Đạo, Thanh Châu, Thanh Chung và Hai Bà Trưng (thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), nên lượng người và xe qua lại khá đông.
Mỗi ngày có mấy chục đoàn tàu chạy qua đây. Người dân không thể đếm hết số vụ tai nạn, chỉ nhớ rằng tất cả đều thương tâm và đau xót. Thế nhưng, cho đến nay, ngã rẽ này lại không có hệ thống phòng vệ, không đèn tín hiệu, không ba ri e, người gác cũng không có nốt! Cho đến khi Bạn và Ngọng xuất hiện…
Bà Nguyễn Thị Thiệp, chủ quán phở, người đã lo cho họ bữa ăn mỗi tối, kể với chúng tôi: “Họ không khôn, âu cũng là nghiệp chướng. Nhưng họ lại làm được cái việc mà không phải người khôn nào cũng làm được. Từ khi họ đến đây, con đường này đã không còn xảy ra tai nạn nữa”. Bình thường, họ đi lang thang khắp nơi trong thị xã để nhặt nhạnh, vạ vật, nhưng cứ đến đúng giờ tàu qua là đã thấy họ kịp có mặt ở ngã ba để “làm nhiệm vụ”. Bà Thiệp cũng lấy làm lạ rằng dù đầu óc không tỉnh táo nhưng họ luôn có mặt đúng giờ tàu chạy.
Đặc biệt, ngày mưa, lúc nào Bạn và Ngọng cũng đứng ở đó gác tàu. Cả hai chẳng biết ốm đau là gì. Có hôm mưa gió tầm tã mà họ vẫn đứng gác tàu như thế. Có người qua đường thương quá vội cởi áo mưa đưa cho họ mặc. Người dân kể đi kể lại nhiều lần những chuyện như có lần vào giữa trưa, chỉ có hai đứa bé đang bốc đá nô đùa ở đường ray, tàu đến gần mà chúng chẳng hề để ý, Bạn và Ngọng đã lao ra túm lấy hai đứa bé. Hoặc Bạn và Ngọng giúp những người đẩy cả xe hàng cồng kềnh bị mắc kẹt ở ray mà tàu thì sắp đến gần …
Cách đây 5 tháng, một phụ nữ cố tình vượt qua đường sắt, trong lúc anh Bạn lo chặn lại thì không may bị xe máy tông vào làm gãy chân phải, phải vào viện để bó bột. Một mình anh Ngọng vẫn đảm nhiệm công việc gác tàu. Ngay hôm sau, khi tàu đến, một cô bé cố tình vượt qua đường ray. Ngọng đang chắn bên này đường vội chạy sang bên kia để ngăn lại. Không may đến giữa đường thì rơi dép. Nhưng cũng lạ, mặc dù bị bệnh tâm thần nhưng Ngọng vẫn đủ tỉnh táo để không quay lại nhặt dép đúng lúc tàu qua...
Ông Đỗ Văn Viên, Chủ tịch UBND phường Hai Bà Trưng (thị xã Phủ Lý - Hà Nam) khẳng định: “Trước đây, tại giao đoạn này, tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa. Nhưng kể từ ngày có Bạn và Ngọng đứng ở đây thì số vụ tai nạn giao thông đã không còn”. Chứng kiến việc làm đầy vất vả và cũng vô cùng nguy hiểm của họ, người dân đã làm đơn gửi lên “trên” xin mở rộng con đường và trang bị đủ hệ thống phòng bị an toàn. Nhưng đến nay, tất cả vẫn chưa được cải thiện. Sự an toàn của người và phương tiện lưu thông qua đây tiếp tục phải “nhờ cậy” vào hai người hâm tốt bụng….
Theo Văn Phúc (Sài Gòn giải phóng)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa:
Địa chỉ: Khu CN Châu Sơn - TP Phủ Lý - Hà Nam
Điện thoại: (0351) 2210 666 - Fax: (0351) 3853 075
E-mail: ctytruongson@truongsonhn.com.vn