Tin bài thuộc chuyên mục

Đền Lảnh Giang, tín ngưỡng văn hóa trong thờ phụng

Đền Lảnh Giang thuộc thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên. Đền nằm sát chân đê, bên bờ hữu ngạn sông Hồng, nơi giáp ranh các tỉnh: Hà Nam, Hà Tây (cũ) - Hà Nội (ngày nay), phía bên kia sông Hồng là tỉnh Hưng Yên, nên thuận tiện giao thông cả đường bộ và đường thuỷ.

Đền Lảnh Giang thờ ba vị tướng đời Hùng Duệ Vương (vua Hùng thứ XVIII), lại phối thờ Tiên Dung công chúa, con vua. Theo thần tích “Hùng triều nhất vị thuỷ thần xuất thế sự tích” (Sự tích ra đời của các vị thuỷ thần triều Hùng) cùng sắc phong, câu đối, truyền thuyết tại địa phương thì ba vị thần này là con của Bát Hải Long Vương và nàng Quý. Chuyện kể rằng, một hôm nàng Quý ra bãi biển tắm, có một con thuồng luồng quấn quanh mình, về nhà nàng mang thai, sau đó sinh ra ba người con mặt rồng, mình cá chép, cao tám thước khác người. Khi giặc phương Bắc bao vây bờ cõi, định cướp ngôi báu của vua Hùng Duệ Vương, ba vị bỗng trở thành các tướng giúp vua đánh tan giặc.

Tín ngưỡng về cội nguồn

Câu chuyện trên cho biết, nàng Quý ra biển tắm, là thuở đó vùng đền Lảnh Giang và vùng lân cận còn là cửa biển của sông Hồng. Câu chuyện trên có nói đến vua Hùng nên cũng liên quan đến truyền thuyết “Bà Âu Cơ đẻ trăm trứng”. Bà Âu Cơ gặp Lạc Long Quân trên núi Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) và hợp hôn với ngài. Bà là giống Tiên (chim) trên rừng, Long Quân là giống Rồng (tiền thân là rắn, thuồng luồng, sau này được các triều đại phong kiến ngày một trìu tượng hóa để lấy làm thần quyền) dưới sông nước. Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nở trăm người con trai. 50 con theo mẹ lên rừng làm Sơn tinh (sơn thần), 49 con theo cha xuống bể làm Thuỷ tinh (thuỷ thần). Còn người con trai cả ở lại, được tôn phong làm vua Hùng thứ nhất.

Như vậy, theo tư duy dân gian có thể suy ra tương ứng: Bát Hải Long Vương là do Lạc Long Quân biến hóa, nàng Quý chính là mẫu Âu Cơ, ba vị thuỷ thần thờ ở đền Lảnh Giang theo cha Lạc Long Quân xuống biển đã hóa thân thành các vị tướng giúp vua Hùng đời thứ XVIII đánh giặc (trong lễ hội đền Lảnh Giang ba vị thần này hiện lên là ba con thuồng luồng nở ra từ ba quả trứng).

 

Tín ngưỡng theo truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử

Truyền thuyết: Chử Đồng Tử người làng Chử Xá (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay). Chẳng may nhà bị cháy, mất hết của cải, hai cha con Chử chỉ còn độc chiếc khố. Lúc cha mất, Chử lấy khố liệm cha, còn mình thì ở trần truồng, ban ngày dầm nửa người dưới sông bắt cá bán cho các thuyền buôn qua lại. Thuở ấy vua Hùng thứ XVIII có cô con gái tên là Tiên Dung, thích ngao du, không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền của Tiên Dung đến vùng, nghe thấy tiếng chiêng trống, lại thấy nghi trượng…, Chử hoảng sợ vùi mình vào cát lẩn tránh. Thấy cảnh hoang sơ, sông nước mát mẻ, Tiên Dung ghé lên bờ sai người quây màn ở bụi lau để tắm. Ngờ đâu đúng ngay chỗ Chử Đồng Tử, nước xối dần để lộ một thân hình trần trụi. Tiên Dung kinh ngạc, hỏi han sự tình, nghĩ là do ý trời nên xin được cùng Chử Đồng Tử nên duyên chồng vợ.

Vua Hùng biết chuyện, giận dữ vô cùng, không cho con gái về cung. Tiên Dung ở lại cùng chồng mở chợ, đổi chác với dân gian, buôn bán tấp nập với người trong nước và ngoài nước. Một lần đi buôn, Chử Đồng Tử gặp đạo sĩ Phật Quang trên núi, bèn xin học phép thuật. Phật Quang cho Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, dụ rằng đây là những vật thần thông. Về nhà Chử Đồng Tử bàn với vợ cùng đi tầm thầy học đạo. Một hôm đi giữa đường thì trời tối, vợ chồng Chử bèn cắm gậy, úp nón lên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm chỗ đó nổi lên thành quách, cung vàng, điện ngọc nguy nga, lính tráng người hầu tấp nập. Sáng hôm sau dân chúng quanh vùng kinh ngạc, bèn dâng hoa thơm quả ngọt, xin làm bầy tôi. Từ đấy chỗ đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng. Nghe tin, vua Hùng cho rằng vợ chồng Chử Đồng Tử có ý tạo phản, vội xuất binh đến đánh. Tiên Dung từ chối không kháng cự cha mình. Trời tối, nhà vua đóng quân ở bãi Tự nhiên cách đó một con sông. Đến nửa đêm bỗng nhiên bão to gió lớn nổi lên, thành trì, cung điện, lính tráng và cả bầy tôi cùng Tiên Dung - Chử Đồng Tử phút chốc bay lên trời, chỗ nền đất cũ bỗng sụp xuống thành một cái đầm lớn. Dân trong vùng gọi đó là đầm Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm), bãi cát đó là Bãi Tự nhiên hoặc Bãi Màn Trù, và chợ đó gọi là chợ Hà Thị.

Tín ngưỡng về vị thần bất tử

Như vậy mối tình Tiên Dung - Chử Đồng Tử được dân gian coi là lẽ tự nhiên, do ý trời. Khi cộng đồng người Việt cổ chưa có sự phân hóa giai cấp, đang theo dòng sông Hồng chảy về phía biển lùi, chinh phục những vùng đất mới màu mỡ phù sa, thì họ coi đó cũng là lẽ tự nhiên của sự sống. Người Việt cổ thấy rằng, những bãi phù sa tự nhiên đó nhanh chóng cho họ một cuộc sống sung túc, vượt bậc (nên trong truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử nói chỉ trong vòng nửa đêm thành quách, cung điện nguy nga… nổi lên). Chử Đồng Tử được người Việt cổ suy tôn là người anh hùng văn hóa trong việc khai khẩn và làm chủ những vùng đất ấy, là vị thần bất tử trong đời sống tâm linh người Việt.

Tín ngưỡng của cư dân trồng dâu nuôi tằm

Theo truyền thuyết về các vua Hùng, nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải tơ lụa đã có ở nước ta hơn 2000 năm trước, Công chúa Thiều Hoa, con gái vua Hùng thứ VI đã được dân gian suy tôn là Bà tổ của nghề này. Sự xuất hiện nghề trồng dâu nuôi tằm và sản phẩm tơ lụa ghi dấu sự phát triển vượt bậc trong đời sống kinh tế - văn hóa của người Việt cổ. Truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử cũng gợi nhắc đến nghề trồng dâu, dệt vải. Nếu trong truyện cổ tích “Cây khế”, người Việt cổ coi cây rựa cùn (cha mẹ chết đi để lại, người anh cả chia cho em) vừa là tài sản vừa là công cụ lao động để phát triển đời sống (đề cao công cụ đồ sắt), thì trong chuyện về Chử Đồng Tử họ lại đề cao sản phẩm từ nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải tơ lụa - đó là chiếc khố, được coi như là tài sản. Vải ở đây chắc không còn làm từ sợi vỏ cây như người tiền Việt cổ trên rừng, mà làm từ tơ lụa, vì cư dân Việt cổ thời Chử Đồng Tử đã xuống khai khẩn và định cư lâu đời ở vùng đất bãi sông Hồng, là nơi tốt nhất cho việc trồng dâu nuôi tằm. Truyền thuyết còn nói về Công chúa Tiên Dung quây màn tắm trên bãi cát sông Hồng là ẩn dụ hình ảnh những bãi dâu làm nên những tấm màn vải lụa, nên duyên giữa nàng và chàng Chử.

Tín ngưỡng hôn nhân của cư dân hai bờ sông Hồng

Đền Lảnh Giang ở mạn hữu sông Hồng, bên kia mạn tả cách không xa là Bãi Tự nhiên (Màn Trù). Không riêng gì vùng đất đền Lảnh Giang (Hà Nam), Chử Xá (Hưng Yên), nhiều nơi khác có bãi cát ven sông Hồng, dân gian cũng lưu truyền mối Ở Hà Nam cũng có nhiều nơi thờ Chử Đồng Tử, theo nghĩa vị thần bất tử này phù hộ độ trì trong việc mò cua, ốc, đánh bắt tôm, cá. Nhưng ẩn ý dân gian, mối tình Tiên Dung - Chử Đồng Tử còn là sự hợp hôn trai, gái (chồng vợ) - kết quả của sự giao lưu, giao hoan giữa cư dân hai bên tả, hữu sông Hồng; theo tiến trình sông Hồng bồi đắp phù sa, cư dân nơi đây nảy nở sinh sôi, để cuối cùng thành một miền chung cư đông đúc nhất của nước Việt tới tận ngày nay. Tả (dương), hữu (âm) - âm dương giao hòa, nếu bên Chử Xá (Hưng Yên, bên tả) thờ Chử Đồng Tử, thì bên này (bên hữu) Lảnh Giang (Hà Nam) thờ Tiên Dung công chúa là điều dễ hiểu. Điều đó cũng giải thích tại sao đền Lảnh Giang chỉ thờ một mình mẫu Tiên Dung, không thờ cặp đôi với thần Chử Đồng Tử.

Tín ngưỡng buôn bán

Mối tình Tiên Dung - Chử Đồng Tử tự nhiên đến mức vượt ra khỏi ràng buộc của chế độ phong kiến, tư tưởng Nho giáo: Tiên Dung công chúa vượt qua rào cản đẳng cấp xã hội, cho rằng hôn nhân cùng chàng Chử Đồng Tử hạ dân là lẽ tự nhiên, mặc sự phẫn nộ của vua cha (Vua Hùng thứ XVIII được truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử phủ lên màu sắc phong kiến). Theo chúng tôi, ngoài ý muốn hôn nhân tự do, mối tình Tiên Dung - Chử Đồng Tử còn thoả mãn ý nguyện dân gian, muốn làm nhạt đi thói quen cổ hủ phong kiến là trọng nông nghiệp, coi nhẹ việc buôn bán (trọng nông, ức thương). Tình sử kể rằng vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung mở chợ Hà Thị, đổi chác với dân gian, buôn bán tấp nập, phồn thịnh, dân tình ai ai cũng nể trọng, tôn thờ. Dân gian cho thấy, từ khi xuất hiện việc buôn bán thì kinh tế của cư dân ven sông Hồng mau chóng phát triển vượt bậc, được ẩn dụ trong truyền thuyết là những thành quách, cung vàng, điện ngọc nguy nga... chỉ trong nửa đêm bỗng nhiên xuất hiện.

Chuyện nói về vợ chồng Tiên Dung - Chử Đồng Tử buôn bán có lẽ xuất hiện cùng thời, hoặc không xa với sự ra đời của Phố Hiến, gần bãi Tự nhiên - “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, một đô thị, thương cảng sầm uất vào thế kỷ thứ XVII - XVIII. Bên kia là Phố Hiến, bên này vùng đất Lảnh Giang, có đặt Trị sở của trấn Sơn Nam Thượng, là nơi thu thuế quan thuyền bè thương lái qua lại.

Tín ngưỡng buôn bán là lớp văn hóa muộn nhất của truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử nói chung, của việc thờ phụng Tiên Dung công chúa ở đền Lảnh Giang nói riêng.

Dẫu có nhiều lớp tín ngưỡng văn hóa phủ lên theo quá trình lịch sử phát triển của cộng đồng cư dân ven sông Hồng, nhưng nhìn chung trong lễ hội đền Lảnh Giang tín ngưỡng nông nghiệp cổ truyềnvẫn là nền tảng, bởi người Việt ven sông Hồng vẫn lấy lúa gạo là lương thực chính, cây lúa luôn được coi trọng hàng đầu.

Lễ hội đền Lảnh Giang một năm có hai kỳ: Lễ hội vào kỳ tháng Sáu (âm lịch), nghĩa trực tiếp là tưởng nhớ ngày hóa của các vị thuỷ thần. Tháng Sáu cũng là tháng vừa kết thúc thu hoạch vụ Chiêm, lương thực dồi dào. Người đi hội tỏ lòng biết ơn thần thánh đã cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng tươi tốt, bội thu, nên sản vật dâng cúng thật dồi dào, phong phú. Với kỳ lễ hội tháng Tám (âm lịch), đương kỳ cao điểm của mùa nước, nên đền mở hội để cầu mong các vị thuỷ thần điều hòa con nước, không gây ra nạn lụt lội, làm mất mùa. Giống như trong lễ hội Chử Đồng Tử, lễ hội đền Lảnh Giang cũng có tục rước nước, tắm tượng (mộc dục), phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp trồng lúa nước cổ xưa của người Việt. Vì vậy sự thờ cúng ở đền Lảnh Giang có liên hệ mật thiết về nội dung với tục thờ cúng ở làng Chử Xá bên kia sông Hồng, là mối liên hệ giữa Tiên Dung công chúa và Chử Đồng Tử bất tử.

Du khách hành hương về đền Lảnh Giang, cầu khấn các vị thuỷ thần thời Hùng vương, cầu khấn mẫu Tiên Dung, thăm thú quần thể di tích, cảnh quan nơi đây, nhớ qua cầu Yên Lệnh tiếp tục hành hương thăm viếng Bãi Tự nhiên, Đầm Nhất Trạch - nơi ghi dấu Thiên tình sử Tiên Dung - Chử Đồng Tử mà ngẫm nghĩ về cội nguồn, cùng quá trình phát triển của dân tộc nơi hạ lưu vực sông Hồng.

Theo Hà Nguyễn (Cổng TTĐT Hà Nam)

Các tin mới hơn:

Các tin đã đưa:

CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ XÂY LẮP TRƯỜNG SƠN

Địa chỉ: Khu CN Châu Sơn - TP Phủ Lý - Hà Nam
Điện thoại: (0351) 2210 666 - Fax: (0351) 3853 075
E-mail: ctytruongson@truongsonhn.com.vn