Tin bài thuộc chuyên mục

Tránh 'quân xanh quân đỏ' trong bầu cử Quốc hội

"Ứng cử viên phải công khai từ tài sản đến tiểu sử, đến bằng cấp... Những người ra ứng cử và tự ứng cử phải tương quan, một chín một mười", đại biểu Quốc hội Lê Quốc Dung phát biểu ngày 8/11.

Thảo luận về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND, các nhà làm luật rất quan tâm đến chất lượng ứng cử viên.

Đại biểu Lê Quốc Dung kiến nghị: "Tình trạng các địa phương bố trí quân xanh, quân đỏ để làm cho thuận, cho nhanh, dễ cho sự lãnh đạo cũng như chỉ đạo là một điều không nên và không được để thể hiện trong thời gian tới".

Ông Dung dẫn thực tế đã có đơn vị bầu cử bố trí 2 ứng cử viên cùng nhà máy, bảo đảm dân chỉ chọn một người, nhưng cử tri phản ứng và bầu luôn cả 2 người trong nhà máy thành đại biểu HĐND. Và 4 đơn vị bầu cử cũng có tình trạng như thế, cuối cùng chất lượng HĐND kỳ đó rất kém, họp phát biểu rất ít, chất lượng phát biểu tính chiến đấu không cao.

"Sửa luật phải chú ý tới việc tiêu chuẩn ứng cử viên, phải công khai từ tài sản đến tiểu sử, đến bằng cấp... để nhân dân người ta kiểm tra. Và việc bố trí làm sao để những người ra ứng cử và tự ứng cử phải tương quan, nghĩa là dân người có thể chọn một chín, một mười, chứ không thể là một mười, một năm được", ông Dung kiến nghị.

Đại biểu Sùng Thị Chư cũng cho rằng cần quy định cụ thể tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và HĐND. "Đại biểu Quốc hội cần có năng lực hoạt động thực tiễn, có trình độ học vấn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ đại biểu đảm bảo tỷ lệ thích ứng. Số đại biểu nữ phải từ 30% trở lên và có đại biểu chuyên trách phải từ 35% trở lên", bà Chư kiến nghị.


Đại biểu Trần Văn Tấn đề nghị số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là 2. Ảnh: TTXVN.

Một vấn đề được đại biểu quan tâm là số dư ứng cử viên ở mỗi đơn vị bầu cử. Theo dự luật, số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu. Nếu đơn vị bầu cử đó được bầu 3 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là 2 người.

Đại biểu Trần Văn Tấn cho rằng quy định như dự luật còn quá chung chung. Các cơ quan tổ chức sẽ chọn phương án tối thiểu để an toàn cho ứng cử viên và yêu cầu cơ cấu theo quy định. Ông Tấn dẫn ra thực tế cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 11, một số đơn vị có số dư một người, nên khi có 3 ứng cử viên bị khiếu nại, tố cáo, bị xóa tên trong danh sách, cuối cùng có đơn vị bầu cử không còn số dư.

"Để đảm bảo dân chủ và bình đẳng, tôi đề nghị dự luật quy định mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá 3 đại biểu. Số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là 2", ông Tấn đề nghị.

Chung quan điểm, đại biểu Lương Phan Cừ nói: "Đã nói đến bầu cử có nghĩa là lựa chọn. Cử tri phải có quyền lựa chọn người xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước. Việc chuẩn bị số dư hầu như tối thiểu đã cản trở sự lựa chọn của cử tri. Tôi đề nghị số dư ít nhất phải là 2 người, còn có thể là 3-5 cái đó tùy thuộc vào quá trình chúng ta lựa chọn danh sách bầu cử".

Theo Hồng Khánh (VnExpress)

Các tin mới hơn:

Các tin đã đưa:

CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ XÂY LẮP TRƯỜNG SƠN

Địa chỉ: Khu CN Châu Sơn - TP Phủ Lý - Hà Nam
Điện thoại: (0351) 2210 666 - Fax: (0351) 3853 075
E-mail: ctytruongson@truongsonhn.com.vn